Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả của mô hình quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trang và bần chua”
Ngày 16/11/2021, tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải), Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả của mô hình quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trang và bần chua”. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu hiện trạng sinh vật gây hại cây Trang (Kandelia Obovata) cây Bần chua (Sonneratia Caseolaris) và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả, thân thiện với môi trường tại rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình”, do Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ trì thực hiện trong 2 năm (2020 - 2021).
Tham dự buổi hội thảo có ông Đỗ Thanh Giang - Phó giám đốc Sở KH&CN; lãnh đạo phòng Quản lý khoa học thuộc Sở KH&CN; GS.TS Bùi Công Hiển - Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện lãnh đạo Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình; đại diện lãnh đạo UBND xã Đông Hoàng (Tiền Hải).
Tại hội thảo, các đại biểu đã thăm quan, đánh giá trực tiếp mô hình triển khai tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải. Mô hình tiến hành trồng với 4 công thức thí nghiệm trong đó có 3 công thức thí nghiệm phòng chống sinh vật gây hại và 1 công thức đối chứng. Mô hình của đề tài lựa chọn 2 loài cây trồng là Trang (Kandelia obovata) và Bần chua (Sonneratia caseolaris). Cây trồng tại mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo được hiệu quả của công tác phòng trừ sinh vật hại đã đề ra, tỷ lệ sống của cây trồng trong mô hình đều đạt trên 80% (tỷ lệ sống của cây Trang đạt trung bình 83,3% và cây Bần chua là 89,2%).
Cũng tại hội thảo, nhóm nghiên cứu triển khai đề tài đã trình bày: Báo cáo về hiện trạng rừng ngập mặn và tình hình phát sinh phát triển của sinh vật hại trên cây Trang và cây Bần chua tại Thái Bình; Báo cáo đánh giá hiệu quả mô hình thử nghiệm các giải pháp thân thiện với môi trường để phòng trừ sinh vật gây hại chính cây Trang và cây Bần chua tại Thái Bình. Các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến góp ý, nhận xét giúp đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, hoàn thiện nghiên cứu để đáp ứng mục tiêu của đề tài đặt ra.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thanh Giang - Phó Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài. Mô hình quản lý, phòng chống sinh vật hại của đề tài về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, hoàn thành các công việc như trong hợp đồng và thuyết minh đề tài. Đồng thời, yêu cầu đơn vị chủ trì tổng hợp ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo và tiến hành nghiệm thu cơ sở để hoàn thiện công việc của đề tài.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:



sinh vật gây hại chính trên cây trang và cây bần chua tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải

cùng đoàn kiểm tra đánh giá mô hình đề tài